Thông tin này được đề cập tại báo cáo của Bộ Tài chính gửi Chính phủ về tình hình nợ công 2023,ânsáchnămướcbộichikhoảsandwich dự kiến kế hoạch vay và trả nợ 2024.
Cơ quan này cho biết năm nay, Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn khi phải ứng phó trước những biến động bên ngoài và nội tại nền kinh tế. Xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài - những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế - chững lại hoặc giảm sút so với cùng kỳ 2022. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu phải giảm quy mô sản xuất hoặc lao động.
Những khó khăn từ các thị trường bất động sản, ngân hàng đã tác động không thuận lợi tới cân đối ngân sách nhà nước. Theo đó, năm nay, ước thu cân đối ngân sách đạt dự toán là hơn 1,62 triệu tỷ đồng. Bội chi ngân sách khoảng 4% GDP. Nếu tính theo quy mô GDP năm 2022 là 409 tỷ USD, mức bội chi 2023 khoảng 16,4 tỷ USD (tương đương hơn 402.000 tỷ đồng). Mức này thấp hơn dự toán Bộ Tài chính đưa ra hồi đầu năm là 4,42% GDP 2022, dẫu vậy vẫn tăng so với giai đoạn dịch Covid-19 (từ 2020 trở lại đây đều dưới 4% GDP).
Ngoài bội chi, các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo ngưỡng an toàn được Quốc hội quyết định. Cụ thể, ước đến cuối 2023, nợ công khoảng 39-40% GDP. Nợ Chính phủ 36-37% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia 37-38% GDP
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 20-21% tổng thu ngân sách. Trả nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 7-8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dịch vụ, đảm bảo trong giới hạn Quốc hội cho phép (25%).
Về kế hoạch vay, trả nợ, theo quyết nghị của Quốc hội, tổng mức vay năm nay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương, trả nợ gốc là 621.015 tỷ đồng. Trên cơ sở này, tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết dự kiến vay gần 604.380 tỷ đồng, tương đương 94% kế hoạch. Trong đó, hơn 90% nguồn bù đắp bội chi từ vay trong nước qua phát hành trái phiếu Chính phủ, còn lại là vay nước ngoài (vốn ODA, ưu đãi từ các nhà tài trợ). Kỳ hạn trái phiếu hiện tăng 1-3 năm so với trước, bình quân 12,6 năm và lãi suất cũng tăng so với 2022, ở mức 3,7-4% một năm.
Năm nay Chính phủ trả nợ khoảng 311.537 tỷ đồng, trong đó gần 90% là trả nợ trực tiếp (279.742 tỷ đồng), số còn lại nợ vay nước ngoài về cho vay lại. Tuy nhiên, tỷ giá các đồng tiền có biến động dẫn đến việc sử dụng dự toán bằng tiền đồng ít hơn khi mua ngoại tệ để trả nợ.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 26/9, USD tăng 3,41%, EUR tăng 2,72%, JPY giảm 7,99% so với 1/1/2023. Tính riêng tác động tỷ giá của 3 loại tiền trên, dư nợ nước ngoài của Chính phủ cuối năm 2022 (nếu quy theo tỷ giá USD, EUR và JPY) so với tỷ giá đầu năm 2023 giảm khoảng 6.600 tỷ đồng, tức 0,07% GDP 2022.
Với ngân sách địa phương, tổng số vay năm 2023 khoảng 15.920 tỷ đồng (giảm 11.278 tỷ đồng so với mức vay Quốc hội duyệt). Các địa phương phải trả nợ gốc khoảng 2.648 tỷ đồng, giảm 156 tỷ so với dự toán. Với số liệu vay, trả nợ này, dự kiến bội chi ngân sách địa phương năm nay khoảng 13.271 tỷ đồng, giảm gần 11.730 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội.